Ngày nay, ước tính có hơn 10.000 con gấu đang bị nuôi nhốt tại các trang trại lấy mật gấu ở Trung Quốc. Tại đây, việc nuôi gấu lấy mật là hợp pháp. Có gần 100 trang trại có quy mô lớn để thu hoạch mật gấu và những trang trại này thường thuộc quyền sở hữu của các công ty dược phẩm lớn.
Nuôi gấu để lấy mật theo hình thức thương mại đã bắt đầu ở Trung Quốc vào những năm 1980. Đến đầu những năm 1990, chỉ riêng Trung Quốc đã có hơn 400 trang trại nuôi gấu, chứa hàng chục nghìn con.
Hầu hết những con gấu này đều được nuôi nhốt cố định trong lồng, đôi khi những cái lồng còn nhỏ đến mức chúng khó có thể xoay người hoặc đứng bằng hai chân. Tại các trang trại lấy mật, gấu chỉ có giá trị bằng lượng mật mà chúng có, vì thế hầu hết những con gấu nuôi này đều bị bỏ đói, mất nước, mắc nhiều bệnh tật.
Có những con gấu thậm chí bị nhốt đến tận 30 năm. Cũng có những con gấu con được nhốt trong lồng và cơ thể bị biến dạng theo chiếc lồng nhốt chúng từ ngày này qua ngày khác. Có những con gấu đã mất hoàn toàn bộ răng của mình vì chúng liên tục gặm lấy thanh chắn của chuồng sắt.
Mật gấu được chiết xuất từ những con gấu còn sống, và đây là một trong những hình thức ngược đãi động vật cực đoan nhất trên thế giới. Chúng thường xuyên phải chịu đựng những chấn thương không ai có thể tưởng tượng được, bởi mật gấu được chiết xuất bằng nhiều kĩ thuật xâm lấn khác nhau, tất cả đều gây ra sự đau đớn và nhiễm trùng nghiêm trọng.
Phương pháp được những người nuôi gấu lấy mật cho là “nhân đạo” nhất, là phương pháp “tự do nhỏ giọt”. Bằng cách này, gấu được phẫu thuật để mở ra một đường từ bụng đến túi mật của chúng, và mật sẽ từ đó đi ra ngoài. Vết thương này sẽ để hở vĩnh viễn nhằm phục vụ cho việc lấy mật gấu dễ dàng hơn.
Việc phẫu thuật thô sơ, không hợp vệ sinh và thường không phải do những bác sĩ thú y có chuyên môn thực hiện. Điều này dẫn đến việc nhiều con gấu chết vì nhiễm trùng hoặc những biến chứng khác, và gây ra sự đau đớn vô cùng tận cho những con gấu còn sống sót.
Sau khi vết mổ được chữa lành một cách tự nhiên, mỗi lần lấy mật sau đó, người ta sẽ buộc một ống kim loại xuyên qua vết thương và mô sẹo để tiếp cận túi mật của gấu. Ngoài ra, còn có các phương pháp khác bao gồm phẫu thuật cấy ghép vĩnh viễn một ống thông kim loại hoặc cao su để hút mật trực tiếp từ bụng gấu.
Ở một số nơi, gấu còn bị ép phải mặc “áo giáp sắt” nhằm phục vụ cho việc lấy mật gấu có được hiệu quả tối đa nhất. Đó là những chiếc khung sắt được kẹp chặt cố định vào cơ thể gấu, bên dưới có treo một chiếc hộp chứa nối thẳng với tuyến mật của loài vật đáng thương này thông qua một ống cao su. Điều này giúp cho việc lấy mật có thể diễn ra liên tục.
Ở Việt Nam, gấu thường bị đánh thuốc mê và bị đâm vào bụng bằng một cây kim tiêm dài 10cm để hút mật.
Việc nuôi nhốt gấu trong môi trường kém vệ sinh, cộng với việc hút mật gấu bằng các phương pháp thiếu chuyên môn, mất vệ sinh đã dẫn đến một tỉ lệ không nhỏ mật gấu bị nhiễm khuẩn, kém chất lượng, thậm chí còn trộn lẫn máu, mủ và tế bào ung thư của gấu.
Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình là một cơ sở bảo tồn loài gấu ở Việt Nam, được thành lập bởi FOUR PAWS – một tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu dành cho động vật chịu ảnh hưởng trực tiếp của con người thông qua việc công khai những đau đớn mà động vật phải chịu đựng, giải cứu và bảo vệ động vật cần giúp đỡ. FOUR PAWS nỗ lực hướng tới một thế giới nơi con người đối xử với động vật bằng sự tôn trọng, đồng cảm và thấu hiểu.
Cơ sở bảo tồn là ngôi nhà an toàn và phù hợp với loài cho những cá thể gấu là nạn nhân của nạn nuôi nhốt gấu lấy mật và nạn buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam. Và hiện nay trung tâm đã trở thành điểm tham quan mang tính giáo dục cao về bảo vệ động vật. Ngoài ra, du khách đến thăm Cơ sở sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ khi được khám phá và tìm hiểu thêm về đa dạng sinh học và phúc lợi động vật dưới sự hướng dẫn của các nhân viên tại trung tâm.
(Theo animalsasia, worldanimalprotection)